Site icon SV368

Barca rơi vào cảnh ‘thù trong, giặc ngoài’

Ban lãnh đạo Barca, đứng đầu là chủ tịch Joan Laporta, đang đứng trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm từ phe đối lập.

123b – Không kể thất bại tại Champions League thì Barca đang khởi đầu khá tốt, với thành tích toàn thắng ở La Liga. Nhưng kết quả trên sân cỏ của thầy trò HLV Hansi Flick không thể giúp chủ tịch Joan Laporta thoát khỏi cảnh “đấu tố” từ phe đối lập.

Sáu nhóm đối lập vừa kích hoạt màn bỏ phiếu tín nhiệm với ban lãnh đạo Barca, đứng đầu là chủ tịch Laporta. Thông báo của các nhóm này, bao gồm Dignitat Blaugrana, Compromissaris FCB, El Senyor Ramon, Seguiment FCB, Un Crit Valent và Transparencia Blaugrana đã được gửi tới CLB. Và phe đối lập cũng nói thẳng rằng nếu không nhận được phản hồi trong 10 ngày, họ sẽ tính đến “những giải pháp khác”.

Đầu tiên, cần phải nói rõ cuộc “bỏ phiếu tín nhiệm” này khác với màn “bỏ phiếu bất tín nhiệm”, từng khiến cựu chủ tịch Josep Maria Bartomeu phải rời ghế năm 2020. Nó không yêu cầu phe đối lập phải thu thập đủ số lượng chữ ký cần thiết của các hội viên (socio) và nếu CLB đồng ý áp dụng, có thể thực hiện trực tuyến. Nói một cách dễ hiểu, đây là đòn cảnh cáo và nếu nó không được đáp ứng, phe đối lập sẽ dùng đến biện pháp mạnh hơn.

Trong thông báo chính thức gửi tới CLB, 6 nhóm đối lập đã đưa ra nhận xét tiêu cực về ban lãnh đạo . Nội dung của nó là: “Sau 3 năm rưỡi điều hành, chúng tôi cho rằng cách quản lý của ban giám đốc là rất bất ổn và rủi ro, gây tổn hại tới khả năng kinh tế và danh tiếng của Barca”. Các nhóm đối lập này thậm chí còn đưa ra 7 lý do dẫn đến hành động của mình. Cụ thể là:

1. Quản lý quá mạo hiểm: Ban lãnh đạo đã sử dụng “đòn bẩy tài chính” một cách không phù hợp, gây tổn hại đến tương lai của Barca.

2. Đối xử không tương xứng với các huyền thoại: Sự ra đi của Leo Messi, Ronald Koeman, Xavi Hernandez đã được xử lý theo cách tệ nhất, làm tổn hại đến hình ảnh của CLB.

3. Xử lý kém vụ mua chuộc trọng tài: Việc không có phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ đã làm xói mòn uy tín của Barca.

4. Điều hành thiếu minh bạch: Các quyết định về các công ty thương mại có liên quan đến CLB được đưa ra mà không cung cấp thông tin cần thiết cho các hội viên.

5. Trường hợp của công ty ISL: Việc một đối tác của Barca cho chính các giám đốc hiện tại vay tiền không phủ hợp với nguyên tắc của CLB.

6. Chảy máu chất xám: Việc các nhân sự có năng lực liên tục rời khỏi bộ máy điều hành của CLB là một chỉ dấu rõ ràng về vấn đề trong cách thức hoạt động.

7. Dự án xây trung tâm Palau mới: Việc bỏ sót dự án Palau mới trong các thỏa thuận với Goldman Sachs có thể vi phạm nhiệm vụ được giao của ban lãnh đạo.

Ngoài những nội dung của bản “thất trảm sớ” này, các nhóm đối lập còn nhắc đến việc chủ tịch Laporta quá ưu ái những người thân tín. Chẳng hạn như giao nhiệm vụ cố vấn cho “cựu anh rể” Alejandro Echevarria. Chưa hết, họ cũng đặt dấu hỏi về việc Barca đã “phung phí hàng triệu euro để mua về những người không giành nổi suất đá chính, trong khi các cầu thủ trẻ của lò La Masia đã chứng tỏ rằng họ còn chơi tốt hơn”.

Phe đối lập cũng thừa nhận việc họ “nổi loạn” ở thời điểm đội bóng của đang chơi tốt có thể dẫn đến những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, họ vẫn phải làm vì Barca đang ở trong “tình thế nguy cấp”. Điều này thì đúng, vì có lẽ chính các cule cũng hiểu rằng chuỗi trận toàn thắng ở La Liga không thể giúp đội bóng xứ Catalunya xóa đi những vấn đề nội tại, từ thượng tầng cho đến phòng thay đồ. 

Dấu hỏi về lương lãnh đạo Barca
Ngoài những cáo buộc về cách quản lý CLB, các nhóm đối lập còn đặt ra dấu hỏi về thu nhập của ban lãnh đạo Barca. Cụ thể, quỹ lương của giới chóp bu tại sân Camp Nou đã tăng từ 3,7 triệu euro ở mùa 2020/21 lên 5,9 triệu euro mùa 2022/23. Phía đối lập thậm chí chỉ thẳng ra rằng ban lãnh đạo Barca đã “điền tên những người thân của một vài thành viên ban giám đốc vào danh sách nhận lương”.

 

Exit mobile version
Chuyển đến thanh công cụ